Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới (WTO) thì mỗi năm trên thế giới có 59.000 người tử vong do bênh Dại. Ở Việt Nam chúng ta chắc hẳn ai trong chúng ta đều không mấy lạ với bệnh Dại nhất là thói quen nuôi chó hiện hay thì bệnh Dại từ lâu đã được mô tả và cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Năm 2023, theo báo cáo của ngành Y tế, cả nước có 82 người chết vì bệnh Dại tại 30 tỉnh, thành phố (tăng 12 trường hợp so với năm 2022), nhiều nhất là tại các tỉnh Gia Lai, Bình Phước, Bến Tre, Nghệ An và Điện Biên.
Từ đầu năm 2024 đến ngày 24 tháng 3 năm 2024, cả nước đã xảy ra 27 ca tử vong trên người do bệnh Dại ở 15 tỉnh, thành phố (tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, trong 2 tháng đầu năm 2024 đã tiếp nhận điều trị 7 trường hợp mắc bệnh Dại và cả 7 trường hợp này đều tử vong. Đặc biệt, gần đây xuất hiện các trường hợp bệnh Dại có thời gian ủ bệnh ngắn từ 10-15 ngày, trong đó có nhiều trẻ em dưới 5 tuổi bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.
Người mắc bệnh Dại có các triệu chứng sau đây:
- Đau hoặc ngứa ở vết cắn (trên 80% các trường hợp)
- Sốt, mệt mỏi, đau đầu.
- Chứng sợ nước, tỏ ra sợ hãi khi được cho nước để uống, và không thể làm hết cơn khát
- Không chịu được tiếng ồn, ánh sáng hoặc gió
- Bứt rứt, bồn chồn và trầm cảm
- Cảm giác lo lắng, lú lẫn, sợ hãi
- Tăng động, co giật, hành xử bất thường
- Ở giai đoạn sau, chỉ thoáng nhìn thấy hình ảnh nước đã có thể gây co thắt ở cổ và họng, biểu hiện khó nuốt, liệt, tiến tới mê sảng và hôn mê.
- Kéo dài 2 đến 10 ngày. 100 % sẽ tử vong
Hiện nay bệnh Dại chưa có thuốc đặc trị. Để phòng chống bệnh Dại : phải
- Thực hiện tiêm phòng vaccine bệnh Dại cho chó mèo.
Khi bị chó mèo cắn, phải vệ sinh vết cắn và đến Trung tâm y tế quận Bình Tân, viện Pasteur, bệnh viện Nhiệt Đới, để tiêm ngừa Dại càng sớm càng tốt.
Trong thời gian qua, trên địa bàn quận Bình Tân thường xuyên xảy ra tình trạng người dân để chó thả rông, không rọ mõm, để chó phóng uế nơi công cộng gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị trong đó có rất nhiều các trường hợp chưa tiêm phòng cho vật nuôi gây nguy hiểm cho người dân. Trước tình hình đó, Ủy ban nhân dân phường đã thành lập Đội chuyên trách bắt, xử lý vật nuôi thả rông trên địa bàn quận phường
Đội chuyên trách bắt, xử lý vật nuôi thả rông sẽ thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y liên quận, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kiểm tra xử lý tình trạng vật nuôi thả rông trên địa bàn.
2. Trong quá trình tổ chức đi kiểm tra: Đội chuyên trách quay phim, chụp hình và làm biên bản ghi nhận thời gian, địa điểm và nhận dạng vật nuôi tại thời điểm vừa bắt được vật nuôi thả rong.
3. Vật nuôi thả rông sau khi thu giữ sẽ được vận chuyển về chuồng lưu giữ tại Ủy ban nhân dân phường trong 48 tiếng theo quy định.
4. Ủy ban nhân dân phường thông báo điểm tạm giữ, nuôi nhốt chó trong thời gian chờ xử lý qua các phương tiện truyền thông của phường.
5. Trong quá trình lưu trữ vật nuôi thả rông tại phường, khi chủ vật nuôi đến nhận Ủy ban nhân dân phường yêu cầu chủ vật nuôi:
5.1 Xuất trình Giấy chứng nhận tiêm phòng bệnh dại hoặc Sổ tiêm phòng bệnh dại của vật nuôi.
5.2 Lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chó thả rông trong các nội dung sau:
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không tiêm phòng vắc xin phòng Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng (Khoản 3, Điều 2, Nghị định số 04/2020/NĐ-CP, 03/1/2020)
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng (Khoản 3, Điều 2, Nghị định số 04/2020/NĐ-CP, 03/1/2020).
Ủy ban nhân dân phường sẽ triển khai nhiệm vụ cho Đội chuyên trách bắt, xử lý vật nuôi thả rông trên địa bàn phường từ ngày 10 tháng 5 năm 2024. Ủy ban nhân dân phường Bình Trị Đông A thông tin đến người dân trên địa bàn phường nắm và thực hiện.
THẾ VINH