I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ VÀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

Vị trí địa lý

Bình Trị Đông A được thành lập theo Nghị định 130/2003/NĐ-CP ngày 05/11/2003 của Chính phủ, trên cơ sở chia tách xã Bình Trị Đông thành 3 phường: Bình Trị Đông, Bình Trị Đông A, Bình Trị Đông B. Theo đó, ngày 03/12/2003 phường Bình Trị Đông A chính thức được thành lập. Có diện tích đất tự nhiên là 466 ha trong đó diện tích đất nông nghiệp là 245,9 ha. Lúc mới tách phường Bình Trị Đông A có 8 khu phố với 175 tổ dân phố, dân số là 29.078 nhân khẩu với  5.160 hộ.

Là một trong những phường thuộc quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh, phường Bình Trị Đông A có vị trí chiến lược ven đô giữ vai trò quan trọng về quân sự và kinh tế, là cầu nối tiếp giáp giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Nơi đây đã gắn liền với những địa danh lịch sử: Đình Bình Trị Đông (khu phố 9), Chùa Thiền Thất Lan Nhã (khu phố 2), Miếu Tây Lân (khu phố 7),… gắn liền với những chiến công vang dội là niềm tự hào của nhân dân phường Bình Trị Đông A và nhân dân cả nước.

Theo thống kê năm 2012, Phường Bình Trị Đông A có diện tích tự nhiên là 395,05 ha, phía Đông giáp phường Bình Trị Đông (Quận Bình Tân), Phía Tây giáp phường Tân Tạo (Quận Bình Tân) và xã Vĩnh Lộc (Huyện Bình Chánh), Phía Nam giáp với phường Bình Trị Đông B (Quận Bình Tân), Phía Bắc giáp phường Bình Hưng Hòa A (Quận Bình Tân). Hiện nay toàn phường có 10 khu phố, 181 tổ dân phố. Trung tâm của phường đặt tại 162 Mã Lò, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 15 km đường bộ về hướng Tây Nam. Với tổng số nhân hộ khẩu toàn phường là 11.848 hộ với 57.375 khẩu. Ngoài người Kinh, phường Bình Trị Đông A còn có một số dân tộc Hoa, Chăm, Khơme,…

Trên địa bàn phường Bình Trị Đông A hiện nay chỉ có loại hình giao thông đường bộ (các loại hình khác hầu như không có). Tại đây có  các tuyến đường quan trọng: Đường Hương Lộ 2 – Quốc Lộ 1A, Đường Bình Trị Đông, Đường Ao Đôi – Quốc Lộ 1A. Trong đó nổi lên đường Quốc lộ 1A – con đường chiến lược cực kỳ quan trọng. Đây là con đường có ý nghĩa chiến lược cả về quân sự và kinh tế. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Mỹ – Ngụy làm lại, mở rộng con đường này để phục vụ cho việc hành quân cơ động, sử dụng lực lượng, binh khí kỹ thuật hòng đàn áp phong trào cách mạng.

Hệ thống kênh rạch chủ yếu cho tiêu thoát nước, không có chức năng giao thông đường thủy.

Cùng với quá trình đô thị hóa, nền kinh tế nông nghiệp ban đầu được thay thế bằng kinh tế thương nghiệp, dịch vụ và sản xuất thủ công nghiệp. Trong những thập kỷ gần đây, nhân dân đã phát triển kinh tế hộ gia đình nhỏ lẻ thành các loại hình tiểu thủ công nghiệp với quy mô lớn hơn, hình thành trung tâm thương mại, dịch vụ đầu mối của quận.