Thứ 6, 18/04/2025 08:22 pm
0. NGƯỜI DÂN TP.HỒ CHÍ MINH KHÔNG XẢ RÁC RA ĐƯỜNG VÀ KÊNH RẠCH, VÌ THÀNH PHỐ SẠCH VÀ GIẢM NGẬP NƯỚC *** 1. ĐẦU TƯ CHO BÌNH ĐẲNG GIỚI LÀ ĐẦU TƯ CHO TƯƠNG LAI *** 2. BÌNH ĐẲNG GIỚI LÀ THƯỚC ĐO CỦA SỰ VĂN MINH, TIẾN BỘ VÀ CÔNG BẰNG *** 3. TĂNG QUYỀN NĂNG CHO PHỤ NỮ LÀ TĂNG VỊ THẾ CỦA QUỐC GIA *** 4. NAM, NỮ BÌNH ĐẲNG, XÃ HỘI VĂN MINH, GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC*** 5. BÌNH ĐẲNG GIỚI LÀ CHÌA KHÓA ĐỂ XÓA BỎ BẠO LỰC TRÊN CƠ SỞ GIỚI *** 6. HÀNH ĐỘNG HÔM NAY, BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG TẦM TAY *** 7. ƯU TIÊN NGUỒN LỰC CHO PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM GÁI *** 8. TRA CỨU VÀ NỘP THUẾ NHANH CHÓNG - TẤT CẢ CÓ TRÊN ỨNG DỤNG ETAX MOBILE *** 9. HƯỞNG ỨNG NGÀY QUỐC TẾ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH (27/12) ***

Đảng bộ

TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC THỰC HIỆN THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

– Căn cứ Chỉ thị số 02-CT/TU ngày 04 tháng 12 năm 2015 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

– Căn cứ Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10 tháng 01 năm 2019 của Ban Chấp hành Trung Ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

– Thực hiện Công văn số 1119-CV/ĐU ngày 11 tháng 3 năm 2025 của Đảng ủy phường Bình Trị Đông A về quán triệt, triển khai nội dung Chỉ thị số 27-CT-TW của Bộ Chính trị.

– Ủy ban nhân dân phường Bình Trị Đông A thông tin đến nhân dân trên địa bàn phường một số nội dung liên quan đến Chỉ thị số 02-CT/TU ngày 04/12/2015, Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019, Bài viết “Chống lãng phí” của Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đăng trên báo Nhân dân. Nội dung chi tiết như sau:

  • Chỉ thị số 02-CT/TU ngày 04 tháng 12 năm 2015:

Trong thời gian vừa qua, các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt một số kết quả nhất định, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy nhiên, tình hình lãng phí vẫn còn xảy ra phổ biến, gây bức xúc trong xã hội, nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.

Để tăng cường hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến thực sự về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các cấp, các ngành, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, tố chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội, cán bộ, đảng viên toàn Đảng bộ thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau :

I. Nhiệm vụ, giải pháp

1. Tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt đầy đủ, sâu sắc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhất là người đứng đầu; xác định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên và nội dung sinh hoạt hằng tháng của từng chi bộ, cơ quan, tổ chức, chi đoàn, chi hội; chỉ đạo tăng cường giáo dục cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện và tuyên truyền sâu rộng trong các giới, các tầng lớp nhân dân hiểu đúng và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

2. Tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Kết luận số 72-KL/TU ngày 29 tháng 10 năm 2012 của Ban Thường vụ Thành ủy, tích cực đề ra và thực hiện các giải pháp chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện xa hoa, lãng phí, tiêu cực; gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, tạo sức lan tỏa trong đời sống nhân dân; nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ chủ chốt các cấp trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, Kết luận 19 của Ban Chấp hành Trung ương, Kế hoạch của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; coi công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và thường xuyên trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; xác định rõ địa bàn, lĩnh vực trọng điểm để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật nhằm phòng ngừa tham nhũng, lãng phí tại địa phương, cơ quan, đơn vị, ngành, lĩnh vực được phân công lãnh đạo, quản lý; chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời hành vi tham nhũng, lãng phí.

3. Triển khai đồng bộ các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý chi tiêu ngân sách ở tất cả các ngành, các cấp và đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách nhà nước. Tăng cường kỷ luật tài chính, kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát cả trong chi thường xuyên và chi đầu tư; tiết kiệm và giảm tối đa kinh phí hội nghị, hội thảo, lễ hội, đi công tác nước ngoài. Tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm, sử dụng tài sản, trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập. Tận dụng, khai thác có hiệu quả tài sản, trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại hiện có, chỉ mua sắm mới khi thật sự cần thiết và bảo đảm đúng tiêu chuẩn, chế độ. Kiên quyết xử lý, thu hồi theo quy định đối với những trường hợp trang bị tài sản, trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại sai tiêu chuẩn, định mức, chế độ.

4. Nâng cao hiệu quả đầu tư công; thực hiện nghiêm quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, các quy định về kế hoạch đầu tư công và quản lý vốn đầu tư công; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời nhằm đảm bảo sự áp dụng thống nhất trên địa bàn thành phố. Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư công; nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, giải pháp thi công, thẩm định dự án; thường xuyên rà soát tiến độ thực hiện các dự án, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Kiên quyết thu hồi vốn và xử lý kịp thời nghiêm minh đối với các công trình, dự án chậm triển khai, không hiệu quả, phân bổ, sử dụng không đúng đối tượng, sai mục đích. Xây dựng danh mục dự án, công trình ưu tiên tập trung trong giai đoạn 2016 – 2020, trong đó, ưu tiên bố trí vốn cho các công trình dự kiến thi công hoàn thành trong năm 2016. Ưu tiên, sử dụng hợp lý nguồn vốn ngân sách nhà nước để kích thích, kêu gọi đầu tư xã hội hóa vào các lĩnh vực xây dựng hạ tầng, phục vụ đời sống an sinh xã hội của thành phố. Xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản; thực hiện tốt công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng nguồn vốn nhà nước để kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm phát sinh; tăng cường công tác giám sát đánh giá các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công; xây dựng cơ chế giám sát cộng đồng để người dân và các tổ chức xã hội, doanh nghiệp có thể tham gia đóng góp ý kiến đối với hoạt động đầu tư công của thành phố.

5. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 22 tháng 7 năm 2010 của Bộ Chính trị khóa X về đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng bậc cao; các quy định của Trung ương, Thành ủy trong việc tổ chức các chuyến đi công tác cơ sở, tham dự các lễ kỷ niệm, đại hội, hội nghị, tiếp các đoàn đại biểu, tham quan, khảo sát, sử dụng tiền, phương tiện, tài sản công theo hướng tiếp tục tiết giảm quy mô, thời gian tổ chức, bảo đảm chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả; thành phần tham dự thiết thực, gọn nhẹ; nội dung họp phải thật sự cần thiết, được chuẩn bị chu đáo. Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp không tham dự lễ hội và các hoạt động cắt băng khánh thành, động thổ, khởi công, khai trương,… nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.

6. Phát huy nguồn lực xã hội tổ chức các hoạt động vui Tết cổ truyền hằng năm thiết thực, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân từ “ăn Tết” sang “vui Tết” với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, chung tay chia sẻ khó khăn, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”; tố chức gặp gỡ, thăm hỏi các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình và người có công với cách mạng, các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu, chức sắc tôn giáo, các đơn vị lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo, các đơn vị làm nhiệm vụ phục vụ, đảm bảo vui Tết cho nhân dân. Chú trọng chăm lo đời sống vật chất và văn hóa cho đồng bào nghèo, đồng bào các dân tộc, đồng bào có đạo, công nhân, sinh viên, thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn,… để “Tết đến với mọi nhà, mọi người”.

Nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà cho cấp trên, tổ chức tiệc tùng, chiêu đãi; không được sử dụng tiền, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động trong dịp lễ, tết.

7. Tiếp tục vận động sâu rộng trong toàn Đảng bộ, nhân dân thành phố xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, sinh nhật… lễ hội theo hướng lành mạnh, tiết kiệm, chống phô trương, hình thức, xa hoa, lãng phí, phiền nhiễu, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan; chống lợi dụng việc cưới, sinh nhật,… để vụ lợi; chống thương mại hóa lễ hội. Cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên các cơ quan, đơn vị phải gương mẫu chấp hành các quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước hiện hành về việc cưới, việc tang, lễ hội. Xem việc gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội là tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, phân loại, phân tích chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và bình xét thi đua hàng năm của từng cấp chính quyền, mặt trận, đoàn thể, từng cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên; đồng thời phê bình, xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với cán bộ, đảng viên vi phạm.

8. Việc tổ chức các đoàn đi nghiên cứu kinh nghiệm các nước phải thiết thực, hiệu quả, có mục đích, nội dung, kế hoạch cụ thể, rõ ràng, tránh trùng lắp với các đoàn đi trước; thành phần đoàn cần gọn, bao gồm những người thật sự cần thiết cho công việc, thời gian đi hợp lý, chi phí phải tiết kiệm theo đúng quy định; khi kết thúc, phải có báo cáo về kết quả chuyến đi cho cơ quan có thẩm quyền. Cân nhắc kỹ việc đi công tác ngoài nước của các đồng chí lãnh đạo các ban đảng, các sở – ngành, cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị – xã hội, các quận – huyện; thực hiện đúng quy định trong một năm đi nước ngoài tối đa là hai lần, trừ trường hợp có nhu cầu công việc thật cần thiết hoặc tham gia đoàn của lãnh đạo Trung ương. Không bố trí hai đồng chí lãnh đạo chủ chốt của một cơ quan, đơn vị cùng tham gia một đoàn đi công tác nước ngoài; không thực hiện chính sách cán bộ bằng hình thức đi xúc tiến thương mại, đầu tư, nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài.

Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của sở – ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị không tham gia đoàn của các doanh nghiệp đi nước ngoài hoặc do các doanh nghiệp nước ngoài mời đích danh nếu chưa được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền. Các cơ quan, đơn vị không được tổ chức các chuyến tham quan, du lịch nước ngoài cho cán bộ bằng ngân sách nhà nước.

9. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung cải cách chế độ công chức, công vụ; rút ngắn thời gian giải quyết các hồ sơ giao dịch giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp và công dân. Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và thực hiện dự án, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra trong việc thực thi công vụ của cán bộ công chức; quản lý chặt chẽ thời gian làm việc, kiểm tra, giám sát chất lượng và hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, nghiêm khắc xử lý các trường hợp vi phạm.

II. Tổ chức thực hiện

1. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội tổ chức phổ biến, quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo chức năng, nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị.

2. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này, gắn với thực hiện Thông báo Kết luận số 199-TB/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Ban Bí thư về kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách và mua sắm tài sản công, Kết luận số 51-KL/TW ngày 22 tháng 7 năm 2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 1998 của Bộ Chính trị khóa VIII và quy định pháp luật hiện hành về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế về việc cưới, việc tang, lễ hội.

Sửa đổi, bổ sung định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước theo hướng tăng cường trách nhiệm và tính chủ động của cơ quan, đơn vị trong quản lý và sử dụng ngân sách. Tăng cường phân cấp trong đầu tư công để tạo tính chủ động từ khâu quyết định chủ trương đầu tư đến khâu lập kế hoạch, bố trí vốn cho các dự án nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định pháp luật.

3. Ban Nội chính Thành ủy nghiên cứu, đề xuất xử lý nghiêm minh đối với tập thể, cá nhân có hành vi tham nhũng, lãng phí theo quy định của đảng, pháp luật nhà nước; có biện pháp mạnh mẽ thu hồi tài sản, ngân sách bị thất thoát do tham nhũng, lãng phí; đồng thời nghiên cứu cơ chế cụ thể, phù hợp để khuyến khích, động viên, khen thưởng và bảo vệ những người phát hiện, có tinh thần đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

4. Ban Dân vận Thành ủy chủ trì, phối hợp Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các cơ quan liên quan thực hiện quy chế giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư, nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện Chỉ thị này; tổ chức vận động sâu rộng việc kiên trì thực hiện Chỉ thị 21 và Thông báo số 199 của Ban Bí thư, gắn với tiếp tục thực hiện Kết luận 51 của Bộ Chính trị trong đoàn viên, hội viên, người có uy tín trong các dân tộc, các vị chức sắc tôn giáo và các tầng lớp nhân dân, gắn với xây dựng các nghi thức mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc theo hướng văn minh, tiết kiệm, đoàn kết, nghĩa tình.

5. Ban Tổ chức Thành ủy theo dõi việc thực hiện Quyết định số 1023-QĐ/TU, ngày 20 tháng 4 năm 2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về ban hành qui định về quản lý và xét duyệt cán bộ, công chức, viên chức của thành phố đi nước ngoài theo đúng tinh thần của Chỉ thị này; định kỳ 6 tháng báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy.

6. Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo các cơ quan báo, đài tăng cường các chuyên mục tuyên truyền về chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kịp thời biểu dương các gương người tốt việc tốt, đấu tranh phê bình các cá nhân, tập thể chưa thực hiện tốt.

7. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy hướng dẫn nội dung kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thực hiện của các cấp ủy, đảng viên thuộc Đảng bộ thành phố đối với Quy định 47-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm; khi xây dựng chương trình, kế hoạch công tác hằng năm có nội dung kiểm tra, giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và sử dụng tài sản công; về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội.

Chủ trì, phối hợp Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố, các ban Đảng Thành ủy hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc quán triệt, thực hiện Chỉ thị này; tổ chức kiểm tra và định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy.

Chỉ thị này được phổ biến đến đảng viên, đoàn viên và hội viên.

Nguồn bài viết: Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh.

  • Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10 tháng 01 năm 2019:

Thời gian qua, để phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp ý, phê bình, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai thực hiện một số chủ trương, quy định có liên quan đến bảo vệ người tố cáo và đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những hạn chế, bất cập, như tình trạng để lộ lọt thông tin của người tố cáo; không ít trường hợp người tố cáo không được bảo vệ, bị trả thù, trù dập; các hành vi trả thù, trù dập chưa được phát hiện, xử lý nghiêm. Việc biểu dương, khen thưởng người tố cáo đúng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc bảo vệ người tố cáo chưa được quan tâm. Cán bộ, đảng viên và người dân còn chưa an tâm, ngại đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên vi phạm…

Những hạn chế, bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, trước hết là người đứng đầu ở không ít nơi chưa quan tâm đến công tác này. Quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa hoàn thiện, thiếu cụ thể. Công tác giải quyết tố cáo trong một số trường hợp còn để kéo dài, có biểu hiện bao che người bị tố cáo. Kiểm tra, thanh tra, điều tra phát hiện, xử lý hành vi trả thù, trù dập người tố cáo và những vi phạm quy định về bảo vệ người tố cáo chưa được coi trọng, trong khi những hành vi trả thù, trù dập người tố cáo ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, trước hết là người đứng đầu phải nêu cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ người tố cáo thuộc phạm vi mình phụ trách; sâu sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, uốn nắn lệch lạc trong quá trình thực hiện của cấp dưới; chịu trách nhiệm trước cấp trên và bị xử lý trách nhiệm nếu buông lỏng lãnh đạo, quản lý, không làm hết thẩm quyền để xảy ra tình trạng người dân, cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi phụ trách bị trả thù, trù dập khi tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Cần xác định rõ việc bảo vệ người tố cáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và cơ quan chức năng ở các cấp.

2. Tiếp tục hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người tố cáo.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành quy định liên quan đến việc bảo vệ người tố cáo theo hướng cụ thể, đồng bộ, có chế tài xử lý nghiêm khắc, chú trọng các biện pháp phòng ngừa; làm rõ những biểu hiện của hành vi trả thù, trù dập người tố cáo dưới mọi hình thức để làm cơ sở nhận diện, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý đối với các hành vi này.

Ban cán sự đảng Chính phủ, ban cán sự đảng các bộ, ngành liên quan chỉ đạo ban hành quy định và hướng dẫn thi hành Luật Tố cáo năm 2018 một cách cụ thể, chi tiết, đồng bộ, phân rõ trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân bảo vệ người tố cáo; tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết yêu cầu được bảo vệ của người tố cáo và có chế tài xử lý. Ban hành quy định về bảo vệ người phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về những hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức mà Luật Tố cáo năm 2018 chưa quy định.

3. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với công tác bảo vệ người tố cáo.

Ủy ban kiểm tra, thanh tra các cấp đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra để kịp thời phát hiện các cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao trong việc bảo vệ người tố cáo, người phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, các cơ quan, tổ chức…; phát hiện, làm rõ và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi trả thù, trù dập người tố cáo và công khai kết quả xử lý.

Ủy ban kiểm tra, thanh tra cấp trên chủ động hướng dẫn Ủy ban kiểm tra và cơ quan thanh tra cấp dưới thực hiện tốt công tác này.

Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường hoạt động giám sát việc chấp hành pháp luật về tố cáo và bảo vệ người tố cáo.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia giám sát, phát hiện và kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi trả thù, trù dập, chưa thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ người tố cáo; thực hiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo theo quy định.

4. Củng cố, kiện toàn, đề cao trách nhiệm, đạo đức công vụ, ý thức kỷ luật cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan, đơn vị có chức năng bảo vệ người tố cáo; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan này thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

5. Tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra các hành vi trả thù, trù dập người tố cáo. Đẩy mạnh phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi trả thù, trù dập người tố cáo, bao che người bị tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo nhưng không làm tròn trách nhiệm; người lợi dụng quyền phản ánh, tố giác, tố cáo để bôi nhọ, vu khống, thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân liên quan, gây mất đoàn kết nội bộ. Động viên, khen thưởng kịp thời người tố cáo đúng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức làm tốt công tác bảo vệ người tố cáo.

Tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị nhằm nâng cao hiệu quả và khắc phục những yếu kém trong công tác bảo vệ người tố cáo.

6. Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá các quy định hiện hành về khen thưởng người tố cáo để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Hình thức, nội dung, cách thức tổ chức khen thưởng phải thực sự góp phần tạo động lực, khuyến khích người tố cáo, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhưng không để lộ lọt thông tin, làm ảnh hưởng đến sự an toàn của người tố cáo.

7. Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan để nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người dân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bảo vệ có hiệu quả người tố cáo; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ người tố cáo, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của toàn xã hội đối với công tác này.

Các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tích cực phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện bao che các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; những hành vi trả thù, trù dập người tố cáo; ủng hộ, bảo vệ người tố cáo; phê phán những hành vi vu khống, tố cáo sai sự thật.

8. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp có trách nhiệm phổ biến, quán triệt, cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị này.

Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ hằng năm báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Chỉ thị này được phổ biến đến chi bộ.

Nguồn bài viết: Thư viện pháp luật.

  • Bài Viết về “Chống Lãng phí” của Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm:
TÔ LÂM

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,
Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách.

Ngay khi bắt đầu 1 tiếng tắt đèn, nhiều hoạt động cần đến ánh sáng được mọi người sử dụng các
nguồn điện có công suất thấp hơn, linh hoạt hơn để thay thế.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng phòng, chống lãng phí. Bác căn dặn “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”[1]; Người chỉ rõ “Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến…”[2]“Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”[3]; Người nhiều lần nhấn mạnh “Phải quý trọng của công: Tất cả cái ăn, cái mặc, cái dùng của các cô, các chú là mồ hôi nước mắt của đồng bào. Phải tiết kiệm, giữ gìn, không được lãng phí[4]; “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng”. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình. Vì vậy, chiến sĩ và nhân dân phải hăng hái tham gia phong trào ấy”[5].

Không chỉ là thường xuyên căn dặn, nhắc nhở, bàn luận về tiết kiệm, chống lãng phí dưới góc độ lý luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương mẫu mực, sáng ngời về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đã truyền cảm hứng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua, huy động, hội tụ tiềm lực, sức mạnh chiến thắng thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận về phòng, chống lãng phí.

Ngày 21/8/2006, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; ngày 25/5/2012, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) ban hành Kết luận số 21-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương (khóa X); ngày 21/12/2012, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; ngày 25/12/2023, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí… chưa có chuyển biến rõ rệt… phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế…

Tham nhũng, lãng phí… vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp… ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”[6]. Thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X ban hành Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 1998; Quốc hội đã thông qua Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005 và năm 2013; Hiến pháp năm 2013 quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế-xã hội và quản lý nhà nước”[7].

Người dân tìm hiểu thông tin vay mua nhà ở xã hội tại ngân hàng VietinBank. (Ảnh: Nam Anh)

Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hiến pháp và quy định của pháp luật, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đã xác định rõ hơn trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lãng phí. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khai thác, sử dụng các nguồn lực của đất nước được nâng lên. Ngân sách nhà nước được kiểm soát chặt chẽ từ  khâu lập đến chấp hành dự toán và quyết toán; mua sắm, trang bị, quản lý và sử dụng tài sản, phương tiện đi lại, trang thiết bị làm việc trong các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách thực hiện theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định; công tác quản lý các dự án đầu tư sử dụng vốn, tài sản nhà nước có chuyển biến tích cực.

Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước được triển khai; quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, ý thức tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần đưa công cuộc đổi mới đạt những thành tựu vĩ đại; đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội qua các nhiệm kỳ, kể cả trong bối cảnh có những thách thức chưa từng có tiền lệ như dịch bệnh, thiên tai; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.

Bên cạnh kết quả, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế-xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.

Dự án xây dựng Cung Thiếu nhi Hà Nội được xây dựng trên khu đất gần 40.000m2, tại khu vực công viên hồ điều hòa CV1 (Khu đô thị mới Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay, đó là: Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp. Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm. Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức.

Ngoài những nguyên nhân dẫn đến từng dạng thức lãng phí, còn do thực thi các nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về phòng, chống lãng phí trong thực tế vẫn còn hạn chế; hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ, một số chưa phù hợp thực tế nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; xử lý lãng phí chưa được đề cao, thường gắn với xử lý tham nhũng như hệ lụy kéo theo. Chưa tạo được phong trào thi đua rộng khắp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như dư luận xã hội mạnh mẽ để phê phán, lên án những hành vi gây lãng phí. Việc xây dựng văn hoá tiết kiệm, không lãng phí trong xã hội chưa được quan tâm đúng mức.

Tiết kiệm, chống lãng phí phải được thể hiện rõ nét qua những cam kết, kế hoạch, có lãnh đạo, có chỉ tiêu cụ thể, tiến hành thường xuyên, triệt để.

Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là thời điểm để định hình tương lai của chúng ta. Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới; chú trọng một số giải pháp trọng tâm, sau đây:

Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”; Tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và người lao động, trước hết là sự nêu gương của người đứng đầu tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân khu vực công, khu vực tư về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiết kiệm, chống lãng phí phải được thể hiện rõ nét qua những cam kết, kế hoạch, có lãnh đạo, có chỉ tiêu cụ thể, tiến hành thường xuyên, triệt để. Xây dựng, triển khai thiết thực các cuộc vận động, phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thứ hai, tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công. Ban hành quy định của Đảng nhận diện cụ thể những biểu hiện lãng phí trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên; quy định vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống lãng phí; xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí. Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, kiểm tra, phát hiện, xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi lãng phí; xây dựng cơ chế thực sự hữu hiệu cho giám sát, phát hiện lãng phí của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân. Đẩy mạnh phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm gây lãng phí lớn tài sản công theo tinh thần “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.

Đường cao tốc La Sơn-Túy Loan

Nhà ga hành khách được xem là trái tim của
dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Thứ ba, tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo nhân dân và phát triển đất nước. Trọng tâm là: 

(i) Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, coi đây là yếu tố quan trọng để phòng, chống lãng phí. Trong đó, xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không cầu toàn, không nóng vội; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực, giải quyết, khắc phục điểm nghẽn, mở rộng không gian, tạo đà cho phát triển. Thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Rà soát, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý, các định mức kinh tế-kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Hoàn thiện các quy định xử lý hành vi lãng phí; các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; thể chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo sự đồng bộ trong chuyển đổi để giảm thiểu lãng phí.

(ii) Cải cách triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp; chống bệnh quan liêu.

(iii) Sử dụng tài nguyên, nhân lực, vật lực hiệu quả; tăng cường tính bền vững, tối ưu hoá quy trình làm việc; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại yếu kém. Sớm hoàn thành cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Tổng kết, nhân rộng kinh nghiệm triển khai dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình)-Phố Nối (Hưng Yên) để rút ngắn thời gian thực hiện các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa.

(iv) Tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ trong điều kiện mới. Có các giải pháp cụ thể tăng năng suất lao động, nâng cao giá trị lao động Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thứ tư, xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hằng ngày”. Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của nhân dân, sự đóng góp của tập thể và công sức của mỗi cá nhân; coi việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày. Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng văn hóa tiết kiệm, ý thức tiết kiệm; tư duy làm việc khoa học, quản lý thời gian hiệu quả, hình thành trách nhiệm đạo đức xã hội gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật.

V.I. Lênin nói “Chúng ta phải thực hành tiết kiệm tột mức trong bộ máy nhà nước của chúng ta. Chúng ta phải bài trừ mọi vết tích lãng phí mà nước Nga quân chủ và bộ máy quan liêu tư bản chủ nghĩa của nó đã để lại đầy rẫy[1]; Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu nhấn mạnh “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội phải khắc phục khuyết điểm, tức là phải tăng gia sản xuất, tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ của công”[2]; để đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước, nhất định chúng ta phải quyết tâm phòng, chống lãng phí gắn với phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Trình bày: Phùng Trang
Ảnh: Thành Đạt; Trần Hải; Nam Anh; Thiên Vương; TTXVN
Nguồn: Nhandan.vn

Tin khác